VUI CHƠI VÀ SỰ PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ CỦA TRẺ
“Chơi thường được nói đến như là sự giải tỏa sau những giờ học căng thẳng. Nhưng với trẻ em, chơi là quá trình học tập nghiêm túc. Chơi thực sự là công việc của tuổi thơ.” (Fred Rogers)
Vui chơi là một trong những cách thức quan trọng để trẻ học hỏi về thế giới xung quanh. Vui chơi giúp trẻ học thêm nhiều kỹ năng mới, giúp thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển về nhận thức, tư duy, tình cảm xã hội, ngôn ngữ. Quan trọng hơn, trong khi chơi, trẻ sẽ có cơ hội cùng chơi và giao tiếp với người lớn cũng như bạn bè đồng trang lứa. Lúc này, trẻ học được cách hòa đồng cùng với mọi người, học cách giải quyết vấn đề và cách làm thế nào để giao tiếp và sử dụng ngôn ngữ một cách hiệu quả. Do vậy, chơi và sự phát triển ngôn ngữ có mối liên hệ vô cùng chặt chẽ với nhau.
1. Chơi phát triển khi trẻ phát triển:
Trong những năm tháng đầu đời, trẻ thường cho mọi thứ vào miệng hoặc chỉ ném đồ chơi đi. Đây là cách trẻ trải nghiệm và học được sự khác biệt về cảm giác và mùi vị của các đồ vật khác nhau. Sau đó, trẻ bắt đầu học cách xây dựng các hình khối, chơi với ô tô, tàu hỏa. Trẻ học cách gọi tên các đồ vật và hiểu được rằng các đồ vật có thể đi cùng nhau, và chúng có thể chơi đồ chơi bằng nhiều cách khác nhau. Trong khi chơi, trẻ có thể học được các danh từ (tên của đồ vật), động từ (các từ chỉ thao tác hoặc hành động với đồ vật) và cách mô tả chúng. Trẻ học cách khám phá các đồ vật và cảm nhận chúng: những đồ chơi này để ở đâu, nó to hay nhỏ,…
Khi trẻ lớn lên, chúng bắt đầu học cách sử dụng một đồ vật để thay thế cho những thứ khác. Ví dụ: một khối gỗ trở thành một cái xe ô tô hoặc một cái điện thoại, các mảnh ghép trở thành cát xây dựng,… Trẻ vừa chơi, vừa gọi tên những đồ vật mà chúng nghĩ ra. Đây là sự kết nối tuyệt vời giữa sự vật và lời nói của trẻ. Để phát triển ngôn ngữ và giao tiếp một cách có ý nghĩa, trẻ cần thiết phải có trí tưởng tượng, kỹ năng diễn giải và tư duy tốt. Trẻ cần có khả năng phản hồi lại với các biểu tượng một cách phù hợp. Nếu trẻ không có nền tảng vững chắc về ngôn ngữ hiểu, ngôn ngữ diễn đạt, trẻ sẽ không thể nào nói về trò chơi của mình và thể hiện lại ý tưởng chơi một cách dễ hiểu cho người khác được. Như vậy, có thể nói rằng, chơi và ngôn ngữ song hành cùng nhau trong tiến trình một em bé lớn lên. Kỹ năng chơi phải phát triển đến một trình độ nhất định trước khi có các kỹ năng ngôn ngữ tương ứng (Westby & White, 2014).
2. Trẻ em có thể chơi với bất cứ thứ gì chúng có:
Với trẻ em, đồ chơi không cần phải là những thứ quá đắt tiền. Một cái chăn để chơi ú òa hay một vài cái lá khô cũng có thể trở thành một món đồ chơi thú vị với trẻ. Bạn sẽ ngạc nhiên khi chỉ với một cái chai, một vài hạt đậu, thìa, cốc mà trẻ có thể chơi được cả buổi. Từ việc chơi khám phá như: cho hạt đầu vào chai và lắc để phát ra âm thanh; đến việc chơi tưởng tượng như: đổ hạt đậu ra cốc và giả vờ xúc ăn. Trẻ em thường có xu hướng thích những đồ vật thật, liên quan đến hoạt động hằng ngày như: cốc, điều khiển tivi,… hơn là đồ chơi. Thậm chí, với trẻ em, cha mẹ chính là đồ chơi tốt nhất của mình.
3. Sức mạnh của vui chơi đối với sự phát triển ngôn ngữ:
Trẻ học ngôn ngữ và các kỹ năng khác khi chúng chia sẻ hoạt động chơi với cha mẹ hoặc người bạn cùng chơi của mình. Trẻ quan sát cách cha mẹ thao tác với đồ chơi và bắt chước lặp lại thao tác đó. Trẻ quan sát cách cha mẹ nói chuyện và nỗ lực đáp lại bằng lời nói, cử chỉ, điệu bộ, ánh mắt, nét mặt,… Trẻ học cách tư duy, giải quyết vấn đề từ cha mẹ. Những học hỏi này của trẻ là tự nhiên và chủ động.
– Thông qua vui chơi, trẻ học cách gọi tên đồ vật, học đếm, học miêu tả đồ vật,…
– Trẻ học cách chơi với ngôn ngữ như: tạo ra các âm thanh, tư vựng khác nhau trong khi chơi cùng người khác.
Chơi giúp vốn từ vựng của trẻ trở nên phong phú hơn.
Chơi giúp phát triển kỹ năng lắng nghe và làm theo yêu cầu/ hướng dẫn.
Chơi giúp phát triển các kỹ năng xã hội và lần lượt.
Ngôn ngữ phát triển và cũng trở nên phức tạp hơn trong khi trẻ chơi.
Đối với trẻ sơ sinh: chơi có nghĩa là khám phá các đồ vật như: gõ, đập, cho vào miệng, liếm,…
Đối với trẻ nhỏ: chơi là việc xây dựng các khối nhỏ lại với nhau, đẩy xe ô tô, thổi bong bóng,…
Đối với trẻ trong giai đoạn nhà trẻ: chơi có nghĩa là việc giả vờ cho búp bê ăn, giả vờ nói chuyện điện thoại, giả vờ là một nhân vật nào đó như: bác sĩ, lính cứu hỏa,…
Và giờ nếu có ai đó thắc mắc “Học gì mà chẳng thấy ngồi vào bàn, chỉ thấy chơi thế?” thì chắc chắn các ba mẹ đã có câu trả lời rồi, đúng không ạ?
Có thể là hình ảnh về 10 người, mọi người đang đứng và văn bản