MỘT SỐ CHIẾN LƯỢC GIÚP CHA MẸ CAN THIỆP HIỆU QUẢ CHO CON

MỘT SỐ CHIẾN LƯỢC KHI CAN THIỆP CHO CON

Cha mẹ có vai trò vô cùng quan trọng trong hành trình can thiệp của con. Thời gian con can thiệp ở trung tâm chỉ có một vài tiếng trong ngày, hầu hết thời gian còn lại con sẽ ở bên gia đình. Chuyên biệt Từ Sơn luôn mong muốn thời gian đó, cha mẹ sẽ tận dụng để dạy con, đồng hành cũng các thầy cô giúp con tiến bộ.
Chuyên biệt Từ Sơn sẽ gợi ý cho cha mẹ một số chiến lược can thiệp hiệu quả cho con tại nhà nhé:
|SẮP ĐẶT MÔI TRƯỜNG|
Sắp đặt môi trường là kỹ thuật phổ biến trong can thiệp hành vi để thu hút sự tham gia của trẻ. Ở chiến lược này, cha mẹ cần bố trí các đồ chơi, học liệu làm sao để cho trẻ cần cố gắng tương tác với chúng ta trước khi trẻ có được đồ vật trẻ muốn.
Ví dụ: đặt một thứ mà trẻ muốn trong hộp nhưng trẻ không thể mở được. Trẻ sẽ cần phải yêu cầu sự giúp đỡ của cha mẹ. Hoặc cha mẹ đặt những gì trẻ muốn ngoài tầm với của trẻ, khi đó trẻ cần phải đến chỗ cha mẹ để có được thứ trẻ muốn.
|DUY TRÌ VỊ TRÍ NGANG TẦM – ĐỐI DIỆN|
Khi chơi cùng trẻ, cha mẹ nên giữ mặt mình ngang tầm mắt con, nhờ đó mà con có thể dễ dàng quan sát được những biểu cảm trên gương mặt của cha mẹ khi đang trò chuyện, và cũng có thể có những giao tiếp bằng mắt một cách thật tự nhiên, vì cha mẹ luôn ở ngang tầm nhìn.
|NƯƠNG THEO SỞ THÍCH CỦA TRẺ|
Trẻ tự kỷ thường thích chơi một mình và/hoặc chơi các trò chơi kích thích giác quan, trẻ rất khó tham gia vào các trò chơi tương tác như những trẻ khác. Thay vì một mực yêu cầu trẻ làm theo chỉ dẫn, cha mẹ có thể nương theo sự dẫn dắt của trẻ để việc tương tác với trẻ tốt hơn, và sử dụng cơ hội này khuyến khích trẻ giao tiếp với mình. Nếu cha mẹ có thể tham gia như một người bạn chơi với con, dần dần trẻ cũng sẽ học được rằng chơi với cha mẹ còn vui hơn là chơi một mình và trở nên thích chơi với cha mẹ.

|BẮT CHƯỚC|
Khi bắt chước trẻ làm một điều gì đó, chúng ta đang gửi một thông điệp đến trẻ: “Ồ, cách chơi của con thú vị quá, cha/mẹ sẽ chơi cùng với con!”. Điều đó tạo cho trẻ một thứ “quyền năng được khởi xướng” – rất truyền cảm hứng và động lực cho con tiếp tục tham gia chung với cha mẹ. Bắt chước trẻ cũng chính là tiền đề để sau này, dạy trẻ bắt chước các hoạt động chơi khác của cha mẹ.