3 𝘾𝙃𝙄̀𝘼 𝙆𝙃𝙊́𝘼 Đ𝙀̂̉ 𝙂𝙄𝘼𝙊 𝙏𝙄𝙀̂́𝙋 𝙃𝙄𝙀̣̂𝙐 𝙌𝙐𝘼̉ 𝘾𝙐̀𝙉𝙂 𝘾𝙊𝙉
Một mối quan hệ tích cực sẽ được xây dựng dựa trên sự giao tiếp tích cực. Khi bạn giao tiếp hiệu quả cùng con, bạn sẽ dễ dàng chia sẻ với trẻ nhiều chủ đề chung, đặc biệt là khi trẻ lớn lên.
Có rất nhiều ý tưởng xung quanh chủ đề “Làm thế nào để giao tiếp hiệu quả cùng con”, có thể gom chúng thành 3 ý lớn như sau:
1. Luôn khen ngợi trẻ:
– Ghi nhận mọi nỗ lực của trẻ
– Khen ngợi hành vi phù hợp của trẻ
– Không hối lộ trẻ: Một vài hành vi “hối lộ trẻ” mà bạn có thể dễ dàng nhìn thấy hằng ngày như: “con ăn đi rồi mẹ cho xem ti vi”. Việc đưa ra các phần thưởng như kẹo, ti vi cho những hoạt động cơ bản hằng ngày có thể tạm thời tỏ ra hiệu quả vì trẻ sẽ có động lực làm ngay hoạt động đó. Tuy nhiên, về lâu dài, động lực này sẽ không còn hiệu quả nữa, trẻ sẽ có một sở thích mới và sẽ “đòi” có được phần thưởng rồi mới thực hiện hoạt động. Nếu bạn không đáp ứng, trẻ sẽ nảy sinh các hành vi không mong đợi như: gào khóc, ăn vạ. Trẻ sẽ không hiểu tại sao lúc này trẻ thực hiện một hành vi nào đó thì được thưởng, lúc khác thì không. Trẻ cũng cảm thấy mất niềm tin với bạn về sự không thống nhất mà bạn đang thực hiện. Do vậy, bạn hãy cố gắng đặt ra các yêu cầu rõ ràng và phù hợp về những gì bạn muốn trẻ làm, khuyến khích, khen ngợi vào hành vi trẻ thể hiện tốt để gia tăng động lực tự nhiên của trẻ.
2. Dành sự chú ý cho trẻ
– Lắng nghe trẻ nói
Bạn hãy thể hiện sự lắng nghe tích cực của mình bằng cách:
+ Dừng lại việc bạn đang làm và sử dụng ngôn ngữ cơ thể để cho trẻ thấy bạn đang lắng nghe. Ví dụ: nhìn vào trẻ, mỉm cười khích lệ,…
+ Quan sát nét mặt và ngôn ngữ cơ thể của trẻ và cố gắng hiểu những gì trẻ đang muốn thể hiện.
+ Hạ người xuống ngang tầm với trẻ.
+ Không ngắt ngang lời của trẻ, đảm bảo trẻ có thể diễn đạt hết suy nghĩ, cảm xúc của trẻ.
– Diễn giải lại những gì bạn nghe được từ trẻ: Bằng cách lặp lại hoặc diễn đạt lại những gì trẻ đang nói, bạn sẽ giúp trẻ hiểu rằng bạn đang rất quan tâm đến con. Và chính bạn cũng hiểu và xác nhận một cách chính xác điều trẻ đang muốn thể hiện là gì. Bạn không cần lặp lại chính xác những gì trẻ nói mà có thể thêm chi tiết, rút ngắn hoặc làm rõ hơn ý của trẻ. Đây cũng là cơ hội tốt để bạn làm mẫu ngôn ngữ cho trẻ.
– Diễn giải cảm xúc của trẻ: Bạn có thể quan sát và mô tả lại cảm xúc của con thông các biểu hiện cơ thể như: nét mặt, giọng điệu,… Điều này sẽ giúp trẻ biết được chính xác cảm xúc mình đang có là gì và hiểu rằng việc thể hiện cảm xúc là điều phù hợp, ngay cả khi con có những cảm xúc thiếu cân bằng như: tức giận, thất vọng,…
– Cân nhắc đến khả năng nghe, hiểu và khả năng chú ý của trẻ: Bạn không thể yêu cầu trẻ 1 tuổi ngồi yên, chăm chú trong khoảng 15 phút với những câu hướng dẫn bao gồm 3-4 từ của bạn. Bạn cũng không thể buộc trẻ 2 tuổi chú ý xuyên suốt hoạt động 30 phút với những câu miêu tả dài của người lớn. Đưa ra các yêu cầu vừa sức, sử dụng ngôn ngữ đơn giản, phù hợp với khả năng hiểu của trẻ sẽ giúp khuyến khích trẻ nỗ lực thực hiện hoạt động và có được thành công ngay sau đó.
3. Tạo ra thời gian chơi đặc biệt
Giờ chơi đặc biệt là thời điểm tuyệt vời để bạn có thể xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với trẻ. Đồng thời, đó cũng là thời điểm bạn có thể dạy trẻ những kỹ năng hay hành vi ứng xử phù hợp. Đây là lúc bạn nên tập trung vào những điều tích cực mà trẻ đang cố gắng thể hiện.
Để tạo ra thời gian chơi đặc biệt cùng trẻ, bạn có thể:
– Tạo ra một không gian chơi và thời gian chơi cố định hằng ngày. Đây là thời điểm mà bạn chỉ tập trung vào mình trẻ mà thôi.
– Dành ít nhất 5-10 phút mỗi ngày cho thời gian chơi đặc biệt cùng con.
– Luôn để trẻ dẫn dắt hoạt động.
– Mô tả những gì trẻ đang làm.
– Khen ngợi, ghi nhận tất cả nỗ lực của trẻ.
– Mô tả cảm xúc mà trẻ đang cos.
– Hạn chế việc hỏi hay yêu cầu, ra lệnh trẻ.
– Hãy đảm rằng, giờ chơi với con luôn luôn vui vẻ.



